Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

'Bồ câu' và 'Gà trống'


Em lụm được bài này, em gửi anh bồ câu bảo hành "hơn 100 năm càng tốt" của em. Anh đọc xong rồi anh đi giáo dục mấy khứa gà trống khác làm phước cho đời nhe !...hihii..


Đàn ông thời nay không còn ví như 'bồ câu' mà là 'gà trống'

Lúc bắt đầu yêu thì em là tình yêu, là viên ngọc, là trái tim, là thiên đường của anh, với vô số những mỹ từ ngọt ngào. Nhưng khi về làm vợ thì nàng trở thành "của nợ, thành cảnh sát, công an, thậm chí thành mẹ bổi, thành hàng quá đát, gà mái già, nhà đài, khủng bố".

Lứa đôi hạnh phúc được ví như một đôi chim bồ câu, tượng trưng cho sự yêu thương, trách nhiệm, sẻ chia và chung thủy trọn đời. Nhưng thực tế xã hội hiện tại chẳng mấy ông chồng được như chim bồ câu, mà hầu hết các ông lại toàn giống gà trống. Bồ câu trống luôn sát cánh bên vợ, chăm lo cho lũ chim non, và cả đời thủy chung với chim mái. Còn các đức ông chồng thì không bệnh này cũng tật nọ.

Đành rằng đến ngọc cũng còn có vết, nhưng nếu các ông cứ mãi như thế này, thiết nghĩ có lẽ từ nay chúng ta nên thay đổi hình tượng đôi chim câu trắng ở các đám cưới bằng một cặp gà, để các cô dâu mới còn biết đường mà ứng phó, kẻo sau đám cưới lại vỡ mộng.

Trước khi cưới, anh nào cũng yêu thương tha thiết, nhiều chàng phi công trẻ cố sống cố chết cưới con nhà người ta cho bằng được, bất chấp sự ngăn cản của mọi người, rồi sau đó lại lên mạng rên rỉ "cay đắng khi lỡ cưới máy bay bà già". Một số anh khác yêu vợ mấy năm rồi mới cưới, nhưng khi cặp bồ lại khai với em bồ là "bọn anh không yêu nhau, sống với nhau chỉ vì các con, vì tình nghĩa". Một số anh khác đưa ra lý do còn củ chuối hơn "Hồi trước bị ép cưới vợ chứ không yêu". Thế kỷ thứ bao nhiêu rồi mà người ta vẫn còn tin là có gã đàn ông nào đó bị gia đình ép cưới vợ? Ai ép được anh ta?

Lúc bắt đầu yêu thì em là tình yêu, là viên ngọc, là trái tim, là thiên đường của anh, với vô số những mỹ từ ngọt ngào. Nhưng khi về làm vợ thì nàng trở thành của nợ, thành cảnh sát, công an, thậm chí thành mẹ bổi, thành hàng quá đát, gà mái già, nhà đài, khủng bố hoặc giẻ quần bò. Không tin, bạn cứ mở điện thoại của mấy anh đàn ông trong cơ quan bạn ra mà xem họ lưu tên vợ là gì.

Lúc mới yêu, họ thường xuyên quan tâm đến vợ, gọi điện, tặng quà, tặng hoa, ga lăng hết mức có thể. Lúc ván đã đóng thuyền rồi thì vợ ơi em hãy đợi đấy nhé. Lúc mới cưới, chuyện XYZ còn làm vợ háo hức, cưới vài năm thì cứ thế hùng hục cho xong chuyện, phát chán. Lúc mới yêu, anh đi khoe với tất cả bạn bè rằng nàng quan tâm, chu đáo, sâu sắc, nàng thông minh tâm lý, đảm đang thu vén, nàng đẹp, dễ thương, nàng là niềm tự hào của đời anh.

Nhưng khi anh đi cặp bồ, sự quan tâm của vợ lại trở thành sự soi mói, thông minh tâm lý lại trở thành nanh nọc thủ đoạn, sâu sắc thành ghê gớm, chu đáo thành gò ép tù túng. Hạnh phúc ngày nào giờ trở nên ngột ngạt và mệt mỏi. Những đức tính tốt đẹp, những ưu điểm của vợ trong mắt anh giờ bỗng trở nên méo mó, dị dạng đến khó chịu. Anh thường xuyên kể xấu về vợ với những em bồ, mà em bồ nào cũng tin rằng đó là sự thật.

Vợ- từ một chú chim bồ câu tươi trẻ đáng yêu, vì hết lòng chăm lo cho cái tổ ấm của mình, mà trở thành một gà mái già chính hiệu. Suốt ngày lo toan công việc, tiền nong nhà cửa con cái, rồi lại còn phải để mắt trông giữ cả bố cho lũ con của mình nữa. Đàn ông thì ngược lại, sau khi có một gà mái già và một ổ trứng, các ông bắt đầu nhìn ngang nhìn ngửa, bắt đầu thể hiện đúng bản chất của một anh gà trống. Họ không bao giờ chịu an phận với một gà mái duy nhất mà sẽ đi lang thang tìm kiếm ve vãn thêm một cơ số những em gà khác nữa.

Để rồi khi say nắng lại thấy những em ấy là "làn gió mới ", là lẽ sống đích thực của cuộc đời mình mà quên đi trách nhiệm, tình yêu thương với gia đình, vợ con. Tệ bạc hơn, nhiều anh gà trống còn trở về ruồng rẫy chê bai vợ, thậm chí hành hung đánh đập vợ dã man khi họ đã hết lòng vì chồng vì con, đã trao cho anh tất cả tình yêu, sắc đẹp và tuổi thanh xuân của họ. Vẫn biết rằng chẳng có hình phạt nào cho tội bội bạc, nhưng liệu các anh có nghĩ rằng, vợ mình rồi cũng có thể trở thành bồ, thành "làn gió mới" của một ai đó?

Hạnh phúc bao giờ cũng phải do cả 2 bên cùng vun đắp dựng xây, đừng bao giờ đổ toàn bộ lỗi lầm cho vợ, cũng đừng biện hộ vì lý do ABC nào đó mà các anh đi ngoại tình. Bởi chúng ta đều biết lý do chỉ là lý do mà thôi. Vợ, người sinh con cho anh, chăm lo cho anh hàng ngày, người dũng cảm gắn bó cuộc đời với anh từ lúc tay trắng cơ hàn, nguyện cả đời này vì anh và các con mà cố gắng, vậy thì tại sao cô ấy lại không được hạnh phúc?

Nhiều anh đi ra ngoài ăn phở chán chê no nê rồi trở về nhà, không khỏi áy náy ân hận khi nhìn thấy vợ con. Nhưng rồi họ lại tặc lưỡi tự biện minh rằng: cũng chỉ là vui chơi một chút cho đời thêm hương vị thôi, chẳng mất gì vì gia đình bao giờ cũng là số một. Nhiều anh khác nửa đùa nửa thật bảo vợ: "Cuối cùng thì anh cũng sẽ về với em thôi, có mất đi đâu mà sợ. Chẳng ai dại gì mà bỏ vợ cái con cột cả. Em yên tâm, cuối cùng thì anh cũng sẽ trở về với cái "máng lợn rách"".

Nhân tiện nhắc tới cái máng lợn rách, cũng xin nhắc với các anh đàn ông rằng: Của bền tại người. Vừa dùng vừa phá thì chẳng đồ vật nào chịu được, huống chi là vợ. Vì vậy, hãy yêu thương chăm sóc vợ nhiều hơn. Hãy quan tâm nhiều hơn tới cô ấy, tới gia đình nhỏ của bạn. Đừng để cô ấy phải khổ sở, phải vất vả, cũng đừng làm cô ấy bị tổn thương, vì hạnh phúc bao giờ cũng là cho đi để rồi nhận lại.

Vợ chồng không phải là người lúc nào cũng yêu thương chúng ta vô điều kiện, không phải lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ khi chúng ta lầm lỗi. Và quan trọng hơn hết, các anh đừng làm tan vỡ mái ấm gia đình, vì trong đó không chỉ có anh, có vợ, mà còn có cả những đứa trẻ ngây thơ bé bỏng đáng yêu nữa. Đừng để gia đình từ vị trí quan trọng " số một" ở trên, trở thành một số 0 vô nghĩa khi nhà tan cửa nát, vợ chồng con cái mỗi người ly tán một nơi.

Còn phụ nữ chúng tôi, trước khi cưới ai cũng mong muốn mình sẽ lấy được một anh chồng bồ câu, chứ không phải là ao ước lấy được một anh gà trống đâu ạ!

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Thiên nhiên không tạo ra bệnh gì mà không có thuốc để trị nó (2)



Vì sao thực phẩm chức năng và các phương pháp điều trị không dùng thuốc men ít được nghiên cứu, được phổ biến để ứng dụng rộng rãi?

Con người, với trí tuệ, kinh nghiệm và khả năng quan sát, phân tích của họ, đã tìm ra và ứng dụng rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên để nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, phòng và chữa bệnh. Bản thân con người, cùng những thứ cần thiết nhất để chúng ta sống và tồn tại, phát triển, làm nên những việc phi thường, đều do thiên nhiên tạo ra.

Khoa học chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao đời sống của chúng ta dựa vào những quy luật tự nhiên và những gì có trong thiên nhiên. Bởi vậy, đừng nên lấy khoa học làm con "ngáo ộp" và những tôn chỉ của tổ chức này, đại học kia... để làm thước đo và luật lệ cho mọi vấn đề, nhất là khi vấn đề đó liên quan tới sức khỏe và bệnh tật. Mặc dù có những tiến bộ nhất định, nhưng những hiểu biết về cơ thể con người, bệnh tật cũng như cách phòng và điều trị của y học ngày nay còn rất hạn chế. Hiểu biết của chúng ta về khả năng phòng và chữa bệnh của các chất có nguồn gốc thiên nhiên cũng như sức mạnh tiềm tàng của cơ thể hiện nay chỉ là một con số giới hạn của sự vô hạn.

Nhưng cách nói như "không thể làm được" cái gì "vì khoa học chưa chứng minh được", là sự vô trách nhiệm phổ biến của những người lầm tưởng mình đang đứng ở đỉnh cao của khoa học.

Một điều đáng tiếc là đã có rất nhiều nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu dịch tễ học và lâm sàng cho thấy khả năng phòng và chữa bệnh ưu việt của nhiều sản phẩm thiên nhiên, thực phẩm chức năng và cả phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, đã bị vùi dập vào dĩ vãng.

Các tác giả nghiên cứu rất ít khi công bố được công trình của họ trên các tạp chí y khoa lớn vì đại bộ phận thẩm định viên của các tạp chí này thiên về khuynh hướng y dược hiện đại. Các nguồn tài trợ, kinh phí để tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm hoặc phương pháp này cũng rất hạn chế để có thể cạnh tranh được với số tiền lên tới hàng tỉ đô-la mà các hãng dược phẩm đa quốc gia có thể bỏ ra để làm thuốc và quảng bá chúng. Việt Nam có đủ kinh nghiệm và tiềm năng để trở thành cường quốc về y học thiên nhiên. Với đường lối đúng đắn, sự học hỏi thường xuyên và vận dụng sáng tạo, y học dân tộc và thiên nhiên Việt Nam đã đặt được nền móng ở hầu hết các bệnh viện, trạm xá, các đại học y… với những bài thuốc và phương pháp chữa bệnh rất độc đáo và hiệu quả.

Một ví dụ có thể đơn cử ở đây là sự phát hiện và ứng dụng Artemisinin và các dẫn xuất để điều trị bệnh sốt rét. Dược phẩm này đã được chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng bởi các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ và đã được ứng dụng để điều trị cũng như cứu mạng hàng triệu người bệnh ở châu Phi và châu Á.

Artemisinin đã được phát hiện nhờ những tài liệu cổ điển có từ hàng nghìn năm trước và hầu như không làm đau một súc vật thực nghiệm nào cũng như không cần chi phí tốn kém cho các thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù kết quả điều trị cũng như độ an toàn của Artemisinin theo kinh nghiệm của các bác sỹ ở Việt Nam và châu Phi là vượt trội so với các thuốc cổ điển, Cơ quan quản lý về dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) đã áp đặt và kìm hãm việc sử dụng Artemisinin trong một thời gian dài chỉ với lý do: Nó chưa được kiểm nghiệm qua thử nghiệm lâm sàng.

Đến khi các nước châu Phi đồng loạt phản đối và không tuân theo sự phán quyết của FDA và Chính phủ Mỹ, thì Tổ chức Y tế Thế giới đã phải chấp nhận đưa Artemisinin vào các chương trình phòng chống và điều trị sốt rét trên toàn cầu.
Những nhà khoa học tham gia vào phát hiện và tách lọc được Artemisinin đáng nhẽ phải xứng đáng được 2 giải Nobel về y học, bởi vì họ đã làm một việc mang lại lợi ích cho những bệnh nhân bị sốt rét (đại bộ phận là người nghèo) to lớn hơn nhiều so với các công trình khoa học và phát minh đã được giải Nobel trong những năm gần đây.

Các sản phẩm thiên nhiên và thực phẩm chức năng có đáng sợ không?

Nếu được bào chế đúng tiêu chuẩn và dùng đúng, hầu hết các sản phẩm này có tính an toàn vượt trội so với các dược phẩm. Chúng ta phải thấy vui mừng vì nước nhà đã có những hãng bào chế và phân phối có uy tín, trách nhiệm với sản phẩm thuốc thiên nhiên, cũng như thực phẩm chức năng có chất lượng và giá trị phòng, chữa bệnh tốt. Mặc dù những nguy cơ, tác hại của thuốc thiên nhiên cũng như thực phẩm chức năng luôn được đề cập và thổi phồng, nhưng những con số sau đây nói lên tất cả:

- Năm 2005: Không có một trường hợp tử vong nào do vitamin và thực phẩm chức năng được báo cáo ở Mỹ, mặc dù có tới hơn 70% người Mỹ dùng các sản phẩm này (theo Trung tâm quản lý về ngộ độc của Mỹ, trang 588 KBPDF).

- Con số tử vong do dùng thuốc theo đúng chỉ định gây ra trong các bệnh viện tại Mỹ năm 2005 là khoảng 106 nghìn trường hợp (theo Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ).

Trong lĩnh vực nào của đời sống cũng có kẻ xấu người tốt. Chúng ta hãy giúp người dân hiểu biết và loại bỏ những sản phẩm tồi, nhưng đồng thời cần tạo điều kiện giúp đỡ, phát triển những phát hiện và ứng dụng của thực phẩm chức năng, thuốc thiên nhiên mới và cổ điển vì lợi ích của người bệnh và cả nền kinh tế của đất nước.

Nếu làm được việc này, Y tế Việt Nam có thể đón trước chiều hướng không thể thay đổi của nhân loại trong một tương lai không xa, đó là quay lại với các sản phẩm thiên nhiên để phòng và chữa bệnh.

Nếu biết lắng nghe, học hỏi, tiếp thu kiến thức dân gian và luôn tìm kiếm, chúng ta có thể sẽ tìm được cách khống chế và hạn chế những căn bệnh hiểm nghèo nhất của thời đại. Như Paracelsus, một triết gia vĩ đại của nhân loại, đã nói: "Thiên nhiên không tạo ra bệnh gì mà không có thuốc để trị nó".

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Thiên nhiên không tạo ra bệnh gì mà không có thuốc để trị nó (1)




(TS.BS. Hoàng Xuân Ba)

Tương tự với việc đã xảy ra ở Mỹ đầu những năm 1990, ở nước ta trong những tháng vừa qua đã rộ lên một làn sóng gây nghi ngờ và kết tội bừa bãi bất kể sản phẩm phòng và chữa bệnh nào có nguồn gốc thiên nhiên. Đây có phải là những việc làm chỉ vì mục đích bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe của những người dân bình thường không? Chúng ta cần có một cách nhìn khách quan, tỉnh táo để không lún sâu vào cạm bẫy của những kẻ coi bệnh tật như một mảnh đất màu mỡ để kiếm lời.

Ngay từ năm 1902, Thomas Edison, một nhà sáng chế và phát minh vĩ đại của nhân loại đã nói lên mong ước và cũng là định hướng rất đúng đắn cho y học: “Bác sỹ của tương lai là những người không chỉ cho thuốc mà còn cần chú trọng đến cơ thể của những người bệnh, chế độ dinh dưỡng của họ để tìm ra nguyên nhân bệnh tật và cách phòng ngừa chúng”. Điều đáng tiếc là với đại bộ phận các bác sỹ hiện nay, họ chỉ biết đến thuốc và thuốc. Càng chỉ định nhiều thuốc mới, thuốc đắt tiền, uy tín và thu nhập của họ càng cao. Nhiều bệnh nhân bị các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường… được chỉ định điều trị bằng 10 loại thuốc hóa dược hoặc hơn thế nữa. Họ bị các phản ứng phụ gây ho, viêm đường hô hấp trên, đau nhức cơ bắp, giảm trí nhớ và cả suy thận.

Khi người bệnh hỏi bác sỹ của họ có cách nào thoát khỏi những đau đớn, khổ ải về bệnh tật và thuốc men... câu trả lời thường là không. Với họ chỉ có con đường duy nhất là dùng thêm thuốc để chữa trị các triệu chứng do thuốc gây ra và đi chạy thận nhân tạo. Các bác sỹ ít khi nói tới khả năng hỗ trợ điều trị rất hiệu quả bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, cách luyện tập và sinh hoạt, các phương pháp dưỡng sinh, thiền, thư giãn... cũng như dùng nhiều chất có nguồn gốc thiên nhiên như: nhiều loại thảo dược, vitamin như D, K, dầu cá và các loại thức ăn có nhiều acid béo omega 3, chất khoáng ma-nhê và nếu xa hơn nữa là các thực phẩm chức năng như: Alpha lipoic acid, L-carnitine, Taurine, các sản phẩm trợ sinh (probiotic)…

Những chất này đã được nghiên cứu và cho thấy là có tác dụng phòng và chữa nhiều bệnh mạn tính và không có tác dụng phụ nguy hiểm. Các sản phẩm này chỉ có một “tội” là: không thể bảo vệ được bản quyền và không thể mang lại lợi nhuận kéo dài trong hơn 20 năm cho hãng dược phẩm muốn bào chế, thử nghiệm và đưa chúng vào thị trường như một sản phẩm có tác dụng phòng và chữa bệnh.

Một điều chúng ta cần nhớ là ở giai đoạn cuối những năm 30 thế kỷ trước, có tới 80% các dược phẩm được bào chế và ứng dụng có nguồn gốc thiên nhiên xuất phát từ các kinh nghiệm y học dân gian và ngay hiện tại có tới 25% các dược phẩm đang lưu hành được chiết xuất từ thảo dược.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày nay các thảo dược vẫn được sử dụng như những phương tiện phòng và chữa bệnh chính cho hơn 80% nhân loại. Vì các lý do kinh tế, các hãng dược không muốn phát triển và sử dụng thuốc thiên nhiên dưới dạng nguyên sinh. Việc tách ra một hợp chất có tác dụng vào một cơ chế trong bệnh lý cùng việc biến đổi các phân tử tự nhiên bằng phương pháp công nghệ hóa, công nghệ gien để có thể sở hữu bản quyền bởi các hãng dược phẩm trong rất nhiều trường hợp đã làm giảm hiệu quả cho một dược phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.

Tại sao cần kết hợp các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên trong phòng và điều trị các bệnh cấp và mạn tính?
Nhiều bệnh cấp tính như cảm, cúm, viêm nhiễm do vi trùng, siêu vi trùng, nấm bệnh... xuất hiện khi chúng ta không được khỏe, do hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Các bệnh mạn tính phổ biến và gây tử vong nhiều nhất cho con người như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, tắc nghẽn phổi, hen suyễn, béo phì, trầm cảm, các hội chứng chuyển hóa và rối loạn hệ tiêu hóa, bệnh viêm khớp, dị ứng, u nang, u xơ... phần nhiều có nguồn gốc từ chế độ dinh dưỡng lệch lạc, môi trường ô nhiễm và cuộc sống tinh thần căng thẳng…

Các thuốc hóa dược đại bộ phận dùng để làm giảm triệu chứng, làm tăng chỉ số này, giảm chỉ số kia trong cơ thể người bệnh, nhưng rất ít khi chúng động tới nguyên nhân của bệnh tật và vì thế hầu như không có khả năng chữa khỏi bệnh. Các thuốc hóa dược đều có những hậu quả phụ và nhiều khi các phản ứng này được nhận thức và điều trị bằng một thuốc khác như một bệnh lý mới. Thực tế đã cho thấy nhiều thuốc men có thể được thay thế bằng vitamin, dược thảo, axit amin, sản phẩm trợ sinh, thức ăn sạch và giàu chất dinh dưỡng, cả thực phẩm chức năng cũng như biện pháp không dùng thuốc. Việc người ta khẳng định chỉ có thuốc do các hãng dược bào chế và được bác sỹ kê đơn mới có tác dụng phòng và chữa bệnh chẳng qua là việc làm theo định kiến và sự lệ thuộc kinh tế vào công nghệ y dược hiện đại.